Nhiệm kỳ thứ tư và từ trần, 1945 Franklin_D._Roosevelt

Những ngày cuối, từ trần và tưởng niệm

Tổng thống Hoa Kỳ rời Hội nghị Yalta ngày 12 tháng 2 năm 1945, bay đến Ai Cập và lên chiếc tuần dương hạm USS Quincy đang hoạt động trên Hồ Great Bitter gần Kênh đào Suez. Ngày hôm sau, trên tuần dương hạm Quincy, ông gặp Quốc vương Ai Cập là Farouk I và Hoàng đế EthiopiaHaile Selassie. Vào ngày 14 tháng 2, ông mở một cuộc họp lịch sử với vua Abdulaziz - vị vua khai quốc của Ả Rập Xê Út. Đây là một cuộc họp mang ý nghĩa trọng đại trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út thậm chí cho đến ngày nay.[94] Sau một cuộc họp cuối cùng giữa F.D.Roosevelt và Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill, USS Quincy khởi hành đi Algérie và đến nơi ngày 18 tháng 2. Ngày hôm đó, Roosevelt hội ý với các đại sứ Mỹ đặc trách Anh Quốc, Pháp và Ý.[95] Tại Yalta, Lord Moran, y sĩ của Winston Churchill, nói về bệnh tình của Roosevelt như sau: "Bệnh tình của ông rất là nặng. Ông có tất cả triệu chứng của bệnh xơ cứng mạch máu não trong thời kỳ cuối, vì vậy tôi cho rằng ông chỉ còn sống vài tháng".[96]

Roosevelt hội kiến với Vua Abdulaziz của Ả Rập Xê Út trên chiến hạm USS Quincy trên Hồ Great Bitter

Khi ông trở về Hoa Kỳ, ông đọc diễn văn trước Quốc hội ngày 1 tháng 3 về Hội nghị Yalta,[97] và nhiều người đã phải giật mình khi nhận thấy ông trông rất già và ốm yếu. Ông phải ngồi để đọc diễn văn trong Quốc hội. Đây là một điều nhượng bộ của ông chưa từng có trước đây đối với sự bất lực của cơ thể mình (ông mở đầu bài diễn văn bằng lời nói như sau: "Tôi hy vọng mọi người sẽ tha thứ cho tôi vì phải ngồi đây một cách bất thường để diễn thuyết những gì tôi muốn nói, nhưng...nó giúp cho tôi dễ dàng hơn khi không phải đeo khoảng 10 pound thép quanh phía dưới chân tôi." Đây là lần duy nhất ông nhắc đến sự tàn phế của mình trước đám đông). Nhưng tinh thần của ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo. "Hội nghị Crimean", ông nhấn mạnh, "phải nêu rõ mục tiêu kết thúc một hệ thống hành động đơn phương, những liên minh biệt lập, những khu vực ảnh hưởng, những cán cân quyền lực, và tất cả những mưu mô khác đã được thử nghiệm hàng thế kỷ qua – và luôn bị thất bại. Chúng ta đề nghị thay thế tất cả những thứ này bằng một tổ chức toàn cầu mà ở đó tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình cuối cùng có cơ hội tham gia vào."[98]

Suốt tháng 3 năm 1945, ông gửi các thông điệp đến Stalin với những lời lẽ đanh thép, tố cáo Stalin phá vỡ những thỏa thuận thực thi của vị lãnh tụ Liên Xô tại Hội nghị Yalta về Ba Lan, Đức, tù binh, và các vấn đề khác. Khi Stalin tố cáo Đồng minh phương Tây đang mưu toan tìm kiếm hòa bình riêng với Hitler phía sau lưng vị lãnh tụ này, Roosevelt trả lời rằng: "Tôi không thể nào mà không có một cảm giác tức giận đối với những người chỉ điểm cho ông, bất cứ họ là ai, vì đã diễn đạt lại sai một cách đê hèn như thế về những hành động của tôi hay hành động của những thuộc cấp đáng tin của tôi."[99]

Đây là bức ảnh cuối cùng của Roosevelt, chụp ngày 11 tháng 4 năm 1945, một ngày trước khi ông qua đời vì xuất huyết não

Ngày 29 tháng 3 năm 1945, Roosevelt đến Warm Springs để nghỉ ngơi trước khi ông xuất hiện tại hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc. Vào trưa ngày 12 tháng 4, Roosevelt nói: "Tôi hơi bị đau phía sau đầu". Ông liền ngồi sụp xuống chiếc ghế của mình, bất tỉnh, và được mang vào phòng ngủ của ông. Bác sĩ tim trực bên cạnh tổng thống là Howard Bruenn đã chẩn đoán cho ông và cho biết là tổng thống bị chứng chảy máu não (đột quy). Lúc 3:35 chiều cùng ngày, Roosevelt qua đời. Giống như sau này Allen Drury có nói, "như thế là kết thúc một thời đại, vì thế bắt đầu một thời đại mới." Sau khi Roosevelt qua đời, một bài xã luận của tờ Thời báo New York tuyên bố, "Con người sẽ quỳ gối để cảm ơn Thượng đế một trăm năm kể từ bây giờ vì Franklin D. Roosevelt đã ở trong Nhà Trắng".[100]

Vào lúc ngã bất tỉnh, Roosevelt đang ngồi cho họa sĩ Elizabeth Shoumatoff vẽ chân dung ông. Bức họa này được biết với cái tên nổi tiếng là Chân dung chưa hoàn chỉnh của Franklin D. Roosevelt.

Cổ quan tài của Roosevelt do ngựa kéo đang đi xuống Đại lộ Pennsylvania vào ngày đám tang ông.

Trong những năm sau cùng của ông tại Nhà Trắng, Roosevelt ngày càng làm việc quá sức và con gái ông, Anna Roosevelt Boettiger phải dọn vào ở gần bên ông để hỗ trợ. Anna cũng sắp xếp cho cha của bà gặp mặt người tình cũ của ông là bà Lucy Mercer Rutherfurd, lúc đó đang là quả phụ. Shoumatoff, người duy trì mối quan hệ thân với cả Roosevelt và Mercer, đã vội vã đưa Mercer đi khỏi để tránh tai tiếng. Khi Eleanor biết chồng của bà mất, bà cũng nghe được tin tức nói rằng Anna đã sắp xếp các cuộc gặp gỡ cho Roosevelt gặp Mercer và rằng Mercer đã ở bên cạnh ông lúc ông mất.

Vào ngày 13 tháng 4, xác của Roosevelt được đặt trong một cỗ quan tài có quấn quốc kỳ Mỹ và được đưa lên xe lửa tổng thống. Sau lễ tang tại Nhà Trắng ngày 14 tháng 4, Roosevelt được đưa về thị trấn Hyde Park bằng xe lửa, được bốn binh sĩ của Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên canh giữ. Theo di chúc của ông, Roosevelt được chôn cất trong vườn hồng của ngôi nhà gia đình Roosevelt (nay được gọi là Home of Franklin D. Roosevelt National Historic Site, tạm dịch là Di tích Lịch sử Quốc gia Nhà của Franklin D. Roosevelt) ở thị trấn Hyde Park ngày 15 tháng 4. Sau khi vợ ông qua đời tháng 11 năm 1962, bà được chôn cất bên cạnh ông.

Cái chết của Roosevelt đã gây sốc và thương tiếc khắp toàn quốc Hoa Kỳ cũng như khắp thế giới. Công chúng đã không hay biết gì về sức khỏe ngày càng sa sút của ông trước đó. Roosevelt đã làm tổng thống trên 12 năm, dài hơn hẳn bất cứ vị tổng thống nào. Ông đã dẫn dắt Hoa Kỳ vượt qua một số các cuộc khủng hoảng lớn nhất của Hoa Kỳ cho đến khi Đức Quốc xã gần như bị đánh bại và sự bại trận của Nhật Bản cũng đang trong tầm nhìn thấy được. Khi hay tin Roosevelt qua đời thì Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức Quốc xã là Paul Joseph Göbbels trở nên vui sướng, ông ta nghĩ rằng năm 1945 sẽ là năm phát xít Đức lấy lại thế thượng phong (xem thêm bài Phép lạ của Nhà Brandenburg). Ông ta ra lệnh cho mang rượu sâm-banh đến và còn gọi điện đến Quốc trưởng Adolf Hitler:[101]

Thưa Quốc trưởng, tôi xin hoan nghênh Ngài. Roosevelt chết rồi! Vận mệnh đã quật ngã kẻ thù lợi hại nhất của Ngài. Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta.
— Paul Joseph Göbbels

Nhưng gần 1 tháng sau khi F. D. Roosevelt mất, vào ngày 8 tháng 5, cái giây phút mà ông tranh đấu đã đến: đó là Ngày chiến thắng. Tổng thống Harry Truman, bước sang tuổi 61 vào ngày hôm đó, đã dành trọn Ngày Chiến thắng và các buổi lễ mừng của nó để hồi tưởng về Roosevelt cũng như ra lệnh toàn quốc treo cờ rủ suốt những ngày còn lại của khoảng thời gian 30 ngày tang để tỏ lòng tôn kính đến sự đóng góp của Roosevelt trong việc kết thúc chiến tranh tại châu Âu.

Cái chết của Roosevelt đã miễn trừ cho ông cái khoảnh khắc quyết định là có nên sử dụng bom nguyên tử hay không và việc quyết định này bây giờ được đặt lên người của Tổng thống Truman. Có nhiều yếu tố đã gây ảnh hưởng đến quyết định sử dụng bom nguyên tử của Tổng thống Truman trong đó có sự cố vấn của các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị. Họ đại diện một tiếng nói chung của công chúng Mỹ đang trông mong kết thúc chiến tranh và sự khả dĩ giành một chiến thắng nhanh chóng chống Đế quốc Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Franklin_D._Roosevelt //nla.gov.au/anbd.aut-an35461123 http://encyclopedia.kids.net.au/page/fr/Franklin_D... http://genealogy.about.com/library/surnames/r/bl_n... http://www.amazon.com/Documentary-History-Franklin... http://www.amazon.com/FDRs-Folly-Roosevelt-Prolong... http://www.americanheritage.com/articles/magazine/... http://www.americanheritage.com/people/presidents/... http://www.bartleby.com/124/pres49.html http://www.classbrain.com/artteenst/publish/articl... http://www.davidpietrusza.com/FDR-links.html